Lịch sử Nanango

Cư dân đầu tiên của Nanango là người Wakka Wakka, một bộ tộc thổ dân nguyên trú Úc. Từ xa xưa, người dân tộc bản địa vẫn thường đi ngang qua nơi này để đến tham gia lễ hội cây Bunya diễn ra trong vùng, diễn ra vào mùa thu hoạch quả cây này. Đối với các bộ tộc bản địa, quả và hạt cây bunya (có hình dạng giống trái thông) không chỉ là nguyên liệu để làm lương thực lâu dài, mà các lễ hội bunya còn là một dịp sinh hoạt văn hóa truyền thống ngàn đời. Nhiều người bản xứ ở các vùng xa hơn như miền Bắc New South Wales ở phía Nam, hay Sông Maranoa ở phía bắc, mất cả tháng trời để đi bộ đến xem lễ hội.

Người định cư châu Âu bắt đầu đến vùng này năm 1847, khi hai nhà chăn nuôi John Borthwick và William Oliver từ Ipswich đến đây lập trang trại nuôi cừu. Mảnh đất Oliver chọn rộng đến hơn 500 km² gồm 4 khu nhỏ đặt tên là Coolabunia, Booie, Broadwater và Nanango.

Cơ sở thương mại đầu tiên trong vùng là quán Goode's Inn, do nhà đào vàng Jacob Goode lập nên. Quán Goode là điểm dừng chân nghỉ ngơi của du khách đi từ Brisbane và Limestone (tên cũ của Ipswich) đến các vùng nông thôn sâu trong nội địa, và cũng là nơi gặp gỡ của các chủ chăn cừu Taromeo, Tarong và Nanango, những cư dân đầu tiên trong vùng. Sau vài năm Nanango nhanh chóng phát triển thành một thị trấn quy mô nhỏ. Quán ăn tồi tàn của ông Goode cũng được cấp phép xây dựng thành khách sạn, với tên gọi "Khách sạn Burnett bên bờ Suối Barambah (Burnett Hotel situated at Barambah Creek). Lễ cấp phép xây dựng khách sạn diễn ra ngày 26 tháng 4 năm 1849.

Bưu cục Goode's Inn Post Office mở cửa ngày 5 tháng 1 năm 1852. Sau đó, nó được đổi tên thành Bưu cục Burnett Inn năm 1855 và Bưu cục Nanango năm 1859.[3]

Tên gọi Nanango xuất phát từ "Nunangi" trong tiếng Wakka Wakka. Hiện nay có nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc của cách gọi này. Trong tiếng Wakka Wakka, từ Nunangi vừa có nghĩa "một ao (hố) nước lớn", vừa là tên riêng của một tộc trưởng người thổ dân bản địa lúc người di cư đến khai hoang lập nghiệp. Về phần người thổ dân, họ gọi vùng đất này là "Noogoonida", nghĩa là "nơi các dòng nước gặp nhau".

Nghề chăn nuôi bò thịt, bò sữa và đốn gỗ (đặc biệt là gỗ xoan đỏ) là những ngành nghề chính trong vùng. Sau khi tìm thấy vàng ở vùng Seven Mile Diggings gần Nanango năm 1867 kéo theo một cuộc đổ xô tìm vàng nhỏ khiến dân số trong vùng gia tăng đáng kể. Tuy nhiên trữ lượng vàng không nhiều cho lắm, số lượng phu đào vàng lúc cao nhất cũng chỉ khoảng 700 người, trong đó có nhiều người là người Trung Quốc. Một đợt bùng nổ dân số thứ hai diễn ra khi tuyến đường sắt Brisbane Valley mở rộng đến Yarraman năm 1911.[4] Ngày 13 tháng 11, một tuyến đường sắt khác từ Theebine qua Kingaroy đến Nanango được hoàn thành, Nanango thành ga cuối của tuyến.[5] Chính quyền dự tính xây dựng thêm 22.5 km còn lại để nối Nanango với Yarraman, nhưng không bao giờ khởi công.

Đài tưởng niệm Chiến tranh Nanango

Ngày 29 tháng 1 năm 1920, khai trương Đài tưởng niệm Chiến tranh tại Nanango. Đến dự có Trung tướng Thomas William Glasgow.[6][7]

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thị trấn phát triển khá chậm. Đến đầu những năm 70, khi Nhà máy điện Tarong được hoàn thành, dân số trong vùng bắt đầu gia tăng rõ rệt. Nguồn cấp nước chính trong vùng lúc đầu là đập tràn McCauley, sau này nhà chức trách đào thêm ba giếng nước ngầm gần Suối Barker và suối Meandu.